
Thực trạng và khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá chình ở Việt Nam
Hữu Doanh Nguyễn
Thứ Hai,
10/03/2025
Nội dung bài viết Lỗi giao diện: file 'snippets/icon-arrow.bwt' không được tìm thấy
Thực trạng và khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá chình ở Việt Nam
👉Cá chình là một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước.
👉Ở Việt Nam hiện đang nuôi thịnh hành hai loài cá chình là cá chình hoa (bông) (Anguilla marmorata) và cá chình mun (Anguilla bicolor)
👉Những năm gần đây, nghề nuôi cá chình ở Việt Nam tăng khá nhanh về số lượng hộ nuôi song sản lượng không cao. Phần lớn các hộ đều nuôi với quy mô nhỏ lẽ, tự phát, lạc hậu về công nghệ. Hầu hết đều gặp nhiều trắc trở, khó khăn và chỉ một số ít thành công còn phần đa là thất bại. Nhiều người dù đã đầu tư rất nhiều tiền nhưng cũng đành bỏ lỡ giữa chừng.
Những điều sau đây là những rào cản cản trở bước đi lên của nghề nuôi cá chình:
1. Khung pháp lý về đối tượng cá chình còn nhiều bất cập:
- Mâu thuẫn giữa quy định và thực tế:
Việc cá chình vừa được xếp vào danh mục loài nguy cấp, cần bảo tồn, vừa được phép thương mại hóa đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong khung pháp lý. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm về con giống, đẩy giá giống lên cao và gây khó khăn cho việc phát triển nuôi trồng.
- Thiếu tính cụ thể:
Các quy định hiện hành thường chung chung, chưa đi vào chi tiết các vấn đề như: quy định rõ ràng về các loài cá chình được phép thu gom, ương dưỡng, quy định về kích cỡ tối thiểu khi khai thác, quy định về nuôi trồng và thương mại…
- Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng:
Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (kiểm ngư, kiểm dịch, hải quan) chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi pháp luật, dẫn đến tình trạng buôn lậu, khai thác trái phép vẫn diễn ra. Việc viện dẫn các văn bản Pháp luật còn tùy tiện, theo cảm quan cá nhân của người thực thi gây tâm lý hoang mang không xác định được đâu là đích đến.
2. Nguồn gốc xuất xứ, chất lượng con giống
- Nguồn gốc xuất xứ con giống: Như đã nói ở trên, do khung pháp lý về cá chình chưa rõ ràng nên hầu hết cá chình VN rất khó xuất khẩu. Vì sao? vì nguồn gốc xuất xứ con giống của mình chưa hợp lệ. Điều này hiện là rào cản lớn nhất trong việc xuất khẩu chình đi các thị trường lớn.
- Chất lượng con giống:
Các trại giống chình ở Việt Nam sản xuất giống chưa nhiều nhưng nhiều trại giống vì mục tiêu lợi nhuận hoặc do trình độ chuyên môn chưa cao nên cho ra nhiều lô chình giống nhiễm bệnh hoặc sử dụng kháng sinh bừa bãi làm dư lượng kháng sinh cao, có trại còn dồn đàn từ năm này sang năm khác…
Hệ lụy của việc làm này là gây ra tình trạng cá mắc bệnh, tỷ lệ chết cao, cá chai, cá đẹt nhiều gây tổn thất lớn cho người nuôi, làm mất động lực và ép người nuôi phải bỏ nghề.
3. Thời gian vụ nuôi dài và kinh phí đầu tư cao gây áp lực cho người nuôi
- Áp lực về vốn:
Chu kỳ nuôi cá chình tương đối dài, đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn lớn để duy trì hoạt động trong thời gian dài, từ khâu đầu tư ban đầu cho đến khi thu hoạch.
- Rủi ro cao:
Trong quá trình nuôi, cá chình dễ mắc các bệnh, dịch bệnh, hoặc gặp phải các yếu tố bất lợi từ môi trường, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao và gây thiệt hại kinh tế. Các tài liệu kỹ thuật về cá chình ở Việt Nam hầu hết chỉ viết theo hướng thương mại, thiếu thực tế nên hầu như không áp dụng được.
- Áp lực cạnh tranh:
Thời gian nuôi dài đồng nghĩa với việc chu kỳ quay vòng vốn chậm, khiến người nuôi khó khăn trong việc cạnh tranh với các loại hình nuôi trồng khác có thời gian thu hồi vốn nhanh hơn.
4. Thiếu thức ăn chuyên dụng
- Chất lượng thức ăn không đồng đều: Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất thức ăn chuyên dụng cho cá chình, thức ăn tổng hợp chủ yếu nhập khẩu nên giá rất cao. Việc thiếu thức ăn chuyên dụng cho cá chình khiến người nuôi phải tự phối trộn thức ăn, dẫn đến chất lượng thức ăn không đồng đều, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và sức khỏe của cá.
- Chi phí sản xuất tăng cao:
Do việc sử dụng thức ăn nhập khẩu có giá bán cao đã làm tăng chi phí sản xuất. Đó là chưa nói đến rủi ro khi mua nhầm phải thức ăn đã hết hạn sử dụng do bị tẩy, xé nhãn mác làm cá bị bệnh, còi cọc, chậm lớn…
- Tỷ lệ thức ăn chuyển hóa thành thịt thấp:
Nhiều loại thức ăn tự phối trộn có tỷ lệ thức ăn chuyển hóa thấp, kéo dài thêm thời gian nuôi, làm giảm hiệu quả kinh tế.
5. Trình độ người nuôi không đồng đều
- Thiếu kiến thức kỹ thuật:
Phần lớn người nuôi cá chình ở Việt Nam là hộ gia đình, có trình độ về NTTS không cao, thiếu kiến thức về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá.
- Nuôi theo kinh nghiệm:
Nhiều người nuôi vẫn còn áp dụng phương pháp nuôi truyền thống, dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, dẫn đến hiệu quả sản xuất không ổn định.
- Khó khăn trong việc tiếp cận thông tin:
Việc cập nhật thông tin mới về kỹ thuật nuôi, giống mới, bệnh mới còn hạn chế.
6. Hình thức sản xuất nhỏ lẻ
- Khó khăn trong liên kết:
Các hộ nuôi thường sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong việc liên kết để tạo ra sức mạnh chung, đàm phán với các nhà cung cấp, nhà phân phối. Tư duy mạnh ai nấy làm, nhà ai nấy biết của người nông dân Việt vẫn còn là tư tưởng chủ đạo nên không tìm được tiếng nói chung trong cộng đồng các hộ nuôi.
- Thiếu vốn:
Các hộ nuôi nhỏ lẻ thường khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó do tài sản đầu tư cho sản xuất nông nghiệp không được định giá đúng theo giá trị đầu tư.
- Chất lượng sản phẩm không đồng đều:
Sản phẩm của các hộ nuôi nhỏ lẻ thường không đồng đều về chất lượng, khó đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
7. Khó cạnh tranh với cá chình nhập lậu
- Cá chình nhập lậu có giá thành thấp:
Cá chình nhập lậu thường có giá thành thấp hơn so với cá chình nuôi trong nước, gây áp lực cạnh tranh lớn lên người nuôi.
- Cá chình nhập lậu chất lượng không đảm bảo:
Cá chình nhập lậu có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, không được kiểm soát chất lượng đầu vào và hầu hết chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
- Cá chình nhập lậu khó kiểm soát:
Việc buôn lậu cá chình rất khó kiểm soát (có thể do khách quan hoặc chủ quan), gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản trong nước.